Mèo Ba Tư được nhiều người chọn làm mèo cảnh trong nhà, là thú cưng yêu thích của nhiều người. Thế nhưng việc chăm sóc loài mèo này cần phải chú ý nhiều vấn đề hơn so với khi chăm các loại mèo khác. Nhưng vì mèo Ba Tư đẹp và đáng yêu nên dù khó nuôi, mèo vẫn được nhiều người săn đón. Bài viết dưới đây của My-pet.vn sẽ tổng hợp thông tin từ đặc điểm ngoại hình nổi bật, tới tính cách cũng như cách nuôi dưỡng mèo Ba Tư để bạn tham khảo thêm về giống mèo này.
1. Nguồn gốc mèo Ba Tư
Mèo Ba Tư xuất hiện lần đầu từ vương quốc Ba Tư thời cổ đại mà ngày nay được biết đến là quốc gia hồi giáo Iran. Mèo Ba Tư là mèo bản địa quốc gia này. Người Iran từ xa xưa đã phát hiện và nuôi dưỡng những chú mèo này làm thú cưng. Thời gian sau đó người Anh đã đưa mèo Ba Tư về Anh lai tạo, chăm sóc vì thế mèo Ba Tư dần trở thành loài mèo được yêu thích và rất phổ biến ở Anh nói riêng và châu Âu nói chung.
Mèo Ba Tư thậm chí còn trở thành mèo cưng của Nữ hoàng Anh. Trên thị trường hiện nay mèo Ba Tư có nhiều chủng loại nhưng nếu xét về ngoại hình và tính cách thì mèo Ba tư thuần chủng luôn nổi bật hơn cả.
2. Các giống mèo Ba Tư
Mèo Ba Tư được chia thành các dòng như:
- Mèo Ba Tư thuần chủng hay còn có tên gọi khác là mèo mặt tịt: đây được xem là giống mèo khởi nguồn cho những dòng mèo Ba Tư khác. Nhưng hiện nay mèo Ba Tư thuần chủng cực hiếm, rất khó tìm. Bộ gen quý của chúng được bảo vệ để tránh việc lai tạo với những giống loài mèo khác gây ra sự lai tạp.
- Mèo Exotic còn được biết là mèo Ba Tư lông ngắn. Dòng mèo này ra đời do mèo Ba Tư thuần chủng lai tạo với mèo Mỹ lông ngắn. Ưu điểm là mèo có lông khá ngắn, không cần tốn thời gian để chải lông và chăm sóc lông cho chúng.Việc vệ sinh nhà cửa cũng vì thế mà cũng dễ dàng hơn.
- Mèo Himalayan là dòng mèo được săn đón nhất trong số các dòng mèo Ba Tư hiện nay. Chúng có màu lông rất độc đáo như đen và trắng, nâu và kem, vàng và trắng. Đây là màu sắc đặc trưng của mèo Himalayan. Chúng là dòng mèo được ra đời do sự lai tạo giữa mèo Ba Tư thuần chủng và mèo Thái vào những năm 1931. Dòng mèo này sau đó được Hiệp hội mèo quốc tế công nhận là một giống mèo riêng vào năm 1957.
- Mèo Chinchilla xuất hiện lần đầu vào năm 1882 ở Anh. Chúng mang vẻ đẹp của hoàng gia khiến bất cứ ai cũng thấy cảm mến và chẳng thể nào không yêu thích chúng. Mèo Chinchilla là sự kết hợp của mèo Ba Tư mặt tịt và mèo Nam Phi. Cái tên Chinchilla mãi về sau này mới được đặt cho chúng và sử dụng phổ biến.
3. Đặc điểm về ngoại hình và tích cách của mèo Ba Tư
Điểm nổi bật nhất ở ngoại hình của mèo Ba Tư chính là nét đẹp quý phái và cực kỳ quyến rũ, đáng yêu của chúng. Mèo Ba Tư thuần chủng có kích cỡ trung bình nhưng toàn bộ cơ thể lại rất săn chắc, mũm mĩm với chân ngắn. Bàn chân của chúng bẹt và rất bụ bẫm. Nhìn thôi đã thấy rất đáng yêu rồi!
Trọng lượng trung bình của một chú mèo Ba Tư là 3-5kg. Chiều cao của chúng đạt từ 25-38cm. Đầu mèo Ba Tư lớn và tròn, chúng có 2 cái má trông bầu bĩnh và phúng phính. Nhưng mũi thì lại ngắn và mõm thì sâu. Về tổng thể khuôn mặt phẳng, tai nhỏ và dựng hình tam giác. Hai mắt to tròn, trông rất sắc sảo và càng làm tăng thêm nét kiêu sa.
Mèo Ba Tư thuần chủng có mũi bé, nhưng mắt to vì thế khi nuôi vấn đề chảy nước mắt và việc hô hấp của mèo cần được chú ý.
Bộ lông cũng là một trong những điểm nổi bật và thu hút mọi người của mèo Ba Tư. Lông dày với 2 lớp: Một lớp phủ dài khắp toàn bộ cơ thể cũng như vùng cổ, bụng, đuôi và bộ phận dưới ngực của chúng. Phần lông dày hơn so với các phần còn lại. Đuôi mèo Ba Tư dài, lông phủ dày và đuôi sẽ dựng lên nhưng lớp lông phủ lại rủ xuống khi chúng di chuyển nên trông càng quyến rũ.
Lông mèo mềm mượt với nhiều sắc màu như kem, vàng, đen, vằn vện, màu khói và màu sô cô la…
4. Đặc điểm về tập tính, tính cách của mèo Ba Tư
4.1. Về tính cách
Mèo Ba Tư là loài mèo rất thân thiện không chỉ với con người mà cả với những loài vật khác xung quanh.Chúng không ưa thích việc chạy nhảy hay nghịch ngợm nên bạn không cần phải lo lắng quá nhiều khi nuôi mèo Ba Tư, cũng không cần nhiều thời gian để dạy bảo chúng.
Thế nhưng không phải vì thế mà mèo Ba Tư không vui vẻ, đáng yêu và tránh việc vui đùa với bạn đâu nhé. Ngược lại chúng chúng luôn vui vẻ và thích được đùa nghịch cùng với bạn đấy. Và ngay cả với trẻ em, khi chơi cùng mèo Ba Tư cũng rất an toàn.
4.2. Về tập tính
Mèo Ba Tư hiền lành và sống ôn hòa, không những vậy chúng còn rất trung thành. Nhưng mèo còn rất nhạy cảm. Chúng cũng thường xuyên thể hiện tình cảm, tỏ ra ngoan ngoãn và nhẹ nhàng với mọi người. Vì thế bạn cũng không cần phải thường xuyên chăm sóc và quá cưng chiều những chú mèo Ba Tư. Bạn là người bận rộn cũng vẫn có thể nuôi cho mình một chú mèo Ba Tư. Chúng thích ở trong nhà cả ngày mà không hề tỏ ra buồn chán hay gây chuyện, quấy phá.
Dù ít rụng lông nhưng với những người ưa sạch sẽ thì chúng có thể vẫn không phải là lựa chọn thích hợp. Thế nhưng chúng luôn ghi điểm với tính cách đáng yêu, sự thông minh và ngoại hình duyên dáng nên vẫn được yêu thích và chọn làm thú cưng.
5. Mèo Ba Tư giá bao nhiêu?
5.1. Giá mèo Ba Tư lai mèo ta
Mèo này có giá bán thấp nhất khi so với các dòng mèo Ba Tư khác. Nếu mèo không có giấy chứng nhận thì giá chỉ dao động 3-8 triệu. Trường hợp mèo nhập từ nước ngoài sẽ có giá 8-15 triệu nếu như có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Mèo chất lượng không cao hoặc đơn giản là vì chủ cũ của chúng không muốn nuôi nữa thì bạn vẫn có thể mua với giá rẻ.
5.2. Mèo Ba Tư Exotic
Do là kết quả của sự lai tạo giữa mèo Ba Tư và mèo Mỹ lông ngắn nên chúng rất đặc biệt. Loài mèo này được nhiều người tìm mua vì vô cùng dễ thương mà lại ít rụng lông. Nhưng giá bán của loài mèo này không hề rẻ. Bạn cần chi ít nhất khoảng 4-9 triệu để sở hữu một em mèo chưa có giấy tờ. Nếu là mèo có giấy đầy đủ chứng minh nguồn gốc thì giá bán của chúng lên tới 10-20 triệu.
Đặc biệt nếu là mèo có giấy tờ và nhập từ Châu Âu thì giá bán có thể lên tới 60 triệu. Và không phải lúc nào cũng có sẵn mèo. Bạn còn phải chờ đợi mới nhận được chú mèo của mình.
5.3. Mèo Ba Tư Himalayan
Mèo Himalayan nếu có đủ giấy tờ nguồn gốc thì giá bán có thể trên 15 triệu. Còn nếu không có giấy tờ giá sẽ dao động trong khoảng 6-9 triệu. Mèo Himalayan được ưa chuộng hơn vì đẹp, giá cũng phải chăng và không quá khó tìm. Vì thế bạn sẽ thấy chúng xuất hiện nhiều trên thị trường và trở thành thú cưng của nhiều người.
5.4. Mèo Ba Tư Chinchilla
Mèo Chinchilla cũng là mèo lai tạo từ giống mèo Ba Tư và mèo bản địa của Nam Phi. Mặc dù chúng cũng rất đáng yêu nhưng ở Việt Nam giống mèo này chưa xuất hiện nhiều. Về giá bán: nếu chưa có giấy tờ thì giống mèo này có mức giá tầm trên 6 triệu/ em mèo.
6. Cách chăm sóc mèo Ba Tư
6.1. Mèo Ba Tư ăn gì?
Thức ăn dành cho mèo Ba Tư tùy theo độ tuổi mà sẽ khác nhau. Cụ thể:
- Mèo ba tư non mới sinh dưới 1 tháng tuổi sức khỏe còn non nớt nên được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn.
- Ở giai đoạn từ 1 – 2 tháng tuổi, những chú mèo ba tư con đã có thể ăn dặm. Lúc này bạn nấu cháo loãng với thịt xay nhuyễn cho bé ăn, chia ra làm 5 bữa mỗi ngày, mỗi lần cho ăn từ 25 – 40g.
- Bước sang giai đoạn từ 2 – 4 tháng tuổi, mỗi bữa bạn cho các bé mèo Ba Tư ăn từ 40 – 65g thức ăn và 3 bữa/ngày. Ở tuổi này, các bé mèo đã ăn được thức ăn đóng gói dành cho mèo.
- Khi các bé mèo Ba Tư đã được 4 tháng tuổi trở lên, chỉ cần ăn 2 bữa/ngày, lượng thức ăn mỗi bữa từ 60 – 130g, tùy theo cân nặng mà bạn tăng giảm.
Mèo Ba Tư rất thích ăn các loại thịt bò, thịt gà, cá và nội tạng động vật đã qua chế biến. Ngoài ra, thực đơn cho giống mèo này cũng nên có thêm cháo và rau củ quả để bổ sung đầy đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng và hạn chế béo phì đối với các bé mèo lười.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý hạn chế đưa thịt lợn vào thực đơn cho mèo Ba Tư bởi loại thịt này có rất nhiều mỡ.
6.2. Cách nuôi mèo Ba Tư
Mèo Ba Tư có thói quen ưa sạch sẽ nên bạn cần giữ vệ sinh không gian sinh hoạt của chúng.
Giống mèo này hay bị rụng lông nên cần được chải lông hàng ngày. Mỗi tháng, bạn nên tắm gội sạch sẽ cho các bé mèo để giữ lông của chúng luôn mềm mượt và hạn chế rụng lông. Lưu ý, trong quá trình tắm không nên dội nước một cách trực tiếp lên đầu mèo sẽ làm chúng dễ hoảng sợ.
Các vùng mắt, mũi và tai của mèo Ba Tư cũng cần được vệ sinh thường xuyên sẽ giúp phòng tránh các bệnh liên quan. Bạn vệ sinh mắt mèo bằng cách dùng giấy mềm hoặc bông y tế thấm vào nước muối pha loãng rồi lau nhẹ nhàng. Rửa tai mèo bằng bông ngoáy tai thấm nước 3 lần/tuần.
Đánh răng cho mèo ba tư con mỗi tuần để phòng tránh bệnh răng miệng.
6.3. Cách điều trị, phòng tránh bệnh cho mèo Ba Tư
Để phòng tránh các bệnh di truyền, trước khi mua mèo Ba Tư, bạn nên chọn các bé mèo có giấy tờ đầy đủ và đã tiêm hết các mũi theo quy định. Ngoài ra, ngay từ lúc các bé mèo Ba Tư được 3 tuần tuổi bạn hãy tẩy giun cho chúng để bảo vệ hệ tiêu hóa.
Quá trình chăm sóc mèo Ba Tư con đòi hỏi sự kiên trì, kỹ lưỡng. Đổi lại, bạn sẽ rất thích thú khi được ôm cục bông dễ thương này mỗi khi đi ngủ.
Tìm hiểu thêm về các loài mèo:
- Mèo Scottish – đặc điểm, cách nuôi và giá
- Mèo Ai Cập (Sphynx) Không Lông – đặc điểm, cách nuôi và giá
- mèo golden
- mèo himalaya
- Mèo Ocicat
Trên đây là những thông tin cần biết về mèo Ba Tư cũng như giá và cách chăm sóc. Hy vọng qua đây các bạn sẽ tự tin rinh một em mèo đáng yêu về nhà để cuộc sống thêm thú vị.