Ghẻ là bệnh thường gặp ở thỏ, khiến thỏ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chúng. Việc tìm hiểu nguyên nhân thỏ bị ghẻ là gì sẽ giúp bạn có cách chữa trị và phòng tránh căn bệnh này hiệu quả nhất ở thỏ. Cùng tìm hiểu cụ thể về cách chữa bệnh ghẻ ở thỏ dưới đây nhé.
1. Nguyên nhân thỏ bị bệnh ghẻ là gì?
Ghẻ là bệnh thường gặp ở thỏ và có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Nguyên nhân chủ yếu khiến thỏ bị ghẻ là do điều kiện chăm sóc không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, thỏ bị bệnh ghẻ còn do lây nhiễm ký sinh khi tiếp xúc với đồ vật, chuồng trại bẩn hoặc do lây từ các loài động vật khác. Bệnh ghẻ ở thỏ thường được biểu hiện dưới hai dạng:
1.1. Ghẻ tai
Do ký sinh trùng Psoroptes gây nên với các triệu chứng xuất hiện ở vành tai hoặc lỗ tai. Thỏ con khoảng 1 – 2 tháng tuổi rất dễ bị bệnh ghẻ, tuy nhiên ở độ tuổi này các triệu chứng của bệnh ghẻ rất ít khi có biểu hiện lâm sàng. Từ trên 2 tháng tuổi bệnh phát triển nhanh các dấu hiệu và thường gặp vào mùa hè – thu.
1.2. Ghẻ đầu
Nguyên nhân do ghẻ Notoedres gây nên ở mũi, mắt, miệng và mép hoặc lan sang gáy, cổ sau đó tới vùng da ở hậu môn, móng chân hay cơ quan sinh dục.
2. Cách điều trị thỏ bị ghẻ an toàn và hiệu quả
Mặc dù thỏ bị ghẻ không gây nguy hiểm tới tính mạng, tuy nhiên lại có ảnh hưởng tới sự phát triển, đề kháng và khả năng sinh sản. Vì vậy, nếu thỏ bị ghẻ mà không được chữa trị hiệu quả sẽ rất dễ mắc thêm các bệnh khác và có tình trạng nhiễm trùng, viêm loét da.
Cách chữa thỏ bị ghẻ rất quan trọng và cần thiết, vì bệnh sẽ lây nhiễm sang những con thỏ khác và khi bệnh nặng sẽ rất khó điều trị. Hơn thế, ngay cả khi được điều trị khỏi thì bệnh ghẻ ở thỏ cũng rất dễ tái phát.
Thực hiện cách trị ghẻ cho thỏ bạn cần nắm rõ những lưu ý sau đây:
- Cách ly thỏ ngay sau khi thấy có những triệu chứng của bệnh ghẻ để có cách điều trị hiệu quả nhất.
- Sử dụng khăn ấm rồi thoa nhẹ nhàng lên vị trí thỏ bị ghẻ giúp làm mềm vảy. Sau đó lấy bàn chải đánh bong vảy, để cho ráo nước rồi mới thoa lên. Thuốc trị ghẻ cho thỏ là thuốc mỡ kẽm Oxyd được dùng để bôi vào da 1 lần/ngày hoặc bôi cách ngày. Sử dụng thuốc bôi đặc trị ghẻ cho thỏ từ 3 – 5 ngày. Hoặc có thể sử dụng thuốc Hantox spray để xịt lên vị trí thỏ bị bệnh ghẻ.
Kết hợp sử dụng các loại thuốc đặc trị ghẻ cho thỏ khác như:
- Thuốc Bivermectin 0,25%: Dùng với liều lượng 1ml/12kg trọng lượng cơ thể. Mỗi tuần tiêm 1 liều và sử dụng trong vòng 3 tuần.
- Thuốc Bivermectin 0,1%: Liều dùng 1ml/7kg thể trọng, 1 lần/tuần và dùng trong vòng 3 tuần.
- Thuốc Nova Mectin 0,25%: Liều lượng là 1ml/7kg thể trong, 1 lần/tuần và liên tiếp trong 3 tuần.
Tìm hiểu thêm:
- thỏ ăn chuối được không
- các loại thỏ cảnh
- thỏ bị đi ngoài cho uống thuốc gì
- các bệnh thường gặp ở thỏ
- cách phân biệt thỏ đực thỏ cái
3. Cách chữa thỏ bị nhiễm trùng da thứ phát
Thuốc bôi ghẻ cho thỏ trong trường hợp da bị nhiễm trùng thứ phát bạn có thể kết hợp sử dụng với các loại kháng sinh như:
- Hamogen: 1ml/7kg thể trọng, dùng 1 lần/ngày, trong vòng 3 – 5 ngày
- Han-Clamox: Liều dùng 1ml/20kg thể trọng. Sử dụng để tiêm 1 lần/ngày, liên tục từ 3 – 5 ngày.
- Kết hợp với dùng thuốc bôi trợ lực như: Han-Tophan, Bio-Metasal, Multivit-Forte…
- Sử dụng thuốc giải độc cho gan và thận gồm: Phoretic, Han-Sobitol bằng đường uống trong vòng 1 tuần.
- Bổ sung các loại vitamin B Complex, vitamin ADE, kẽm và các loại khoáng chất cho thỏ trong vòng 1 tháng.
Khi dùng thuốc ghẻ cho thỏ bạn cần lưu ý: Nếu thỏ đang mang thai hoặc mới sinh, chỉ nên dùng thuốc bôi trị ghẻ chứ không nên tiêm.
4. Cách phòng bệnh ghẻ ở thỏ hiệu quả
Để phòng tránh bệnh ghẻ lở ở thỏ bạn cần nắm rõ những lưu ý dưới đây:
- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.
- Giữ cho chuồng được thoáng mát và khô ráo, chỉ nên nuôi với số lượng vừa phải.
- Khi chọn mua thỏ giống mới cần cách ly với đàn cũ khoảng 20 ngày và nếu thấy có dấu hiệu gì bất thường cần tăng thời gian nuôi riêng.
- Vào thời kỳ sinh sản dùng bàn chải lông mềm thấm dung dịch cồn và bột magie để bôi lông cho thỏ.
- Thường xuyên kiểm tra da, lông của thỏ, nếu phát hiện con nào bị ghẻ cần tách đàn riêng để có cách xử lý kịp thời.
Trên đây là nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh thỏ bị ghẻ an toàn, hiệu quả. Hy vọng với những chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn chăm sóc thỏ tốt nhất và luôn khỏe mạnh.